Tìm tour
Tìm tour
Trong nước
Tìm tour
Tìm tour
Nước ngoài
Du lịch
Tour
Hằng tuần
Đặt tour
Đặt tour
Khách đoàn
Tìm kiếm
Tìm kiếm
Booking
Tra điểm
Tìm kiếm
Khách sạn

VỀ AN GIANG THĂM CHÙA BÁNH XÈO ĂN BÁNH XÈO CHAY MIỄN PHÍ

Chùa Bánh xèo có tên gọi là Thiền viện Đông Lai hay chùa Phật Nằm. Sở dĩ nổi tiếng với cái tên “Chùa Bánh Xèo” bởi mỗi ngày nơi này phục vụ hàng nghìn chiếc bánh xèo chay miễn phí cho khách thập phương. Nguồn gốc của việc làm bánh xèo miễn phí của Chùa Bánh Xèo là vào năm 1999, khi thấy các Phật tử từ khắp nơi về chùa cúng dường, các sư thầy trong chùa đã nghĩ đến viết làm bánh xèo chay để thiết đãi. Thời gian đầu chỉ làm ít và nhỏ lẻ để Phật tử thưởng thức như một kiểu ăn chơi. Tuy nhiên, ngày càng nhiều khách phương xa đến chùa để thưởng thức món ăn này. Chính vì vậy, từ một vài chiếc chảo thì nay chùa đã có lên đến 40 chảo bánh, hoạt động liên tục tất cả các ngày trong tuần.

Chùa nằm dưới chân Núi Cậu, cũng chính ngọn núi này, vị trụ trì thứ nhất của Thiền viện Đông Lai từ Long An tìm đến vùng Thất Sơn tu tập trong một hang đá. Năm 1959, được người dân hiến đất xây chùa, hòa thượng Thích Thiện Đạo là người thay mặt bà con phật tử địa phương khai sơn tạo tự. Ban đầu, ngôi chùa chỉ gồm chánh điện và nhà tổ được xây cất đơn sơ. Ba năm sau, trụ trì cho xây thêm tượng Phật niết bàn (tên gọi “chùa Phật Nằm” cũng được hình thành dựa theo công trình đặc thù này).

Những năm chống Mĩ, chùa là nơi tiếp tế lương thực (gạo, muối…) và còn là nơi dân làng lui tới hốt thuốc Nam trị bệnh cho người nghèo. Nhà Tổ bị đốt phá, nhưng chánh điện vẫn giữ nguyên kiến trúc tương đối vững trãi.Từ năm 1988 – 1997, hòa thượng Thích Thiện Huệ là người trong xã đến trông coi hương khói cho chùa.

Thiền viện Đông Lai được xây dựng mới từ năm 1999 với kiến trúc cầu kỳ, trang nghiêm, do thượng tọa Thích Thiện Chí trụ trì. Khuôn viên Thiền viện khá rộng và thoáng với nhiều loại cây cảnh trang trí xanh mát. Khi đến đây, du khách có thể vãn cảnh chùa, hành hương và chiêm ngưỡng tượng Phật nằm dài 6 mét.

Chánh điện sắp xếp khá hiện đại với bàn thờ Tam Thế Phật, gọn gàng, thếp vàng lộng lẫy, uy nghiêm. Dài hai tường chùa là phù điêu Thập Bát la hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật

Bên trái Chánh điện là đài Quan Âm gồm tượng Bồ Tát Quan Thế Âm đứng trên đài sen, phía sau lưng là hòn non bộ với dòng thác róc rách, chảy suốt ngày đêm.

Phía sau chánh điện là nhà ăn, phía trong cùng là khu vực bếp. Khu vực đổ bánh xèo nằm bên phải chánh điện, cách một lối đi, vừa đề phân biệt vừa giúp tránh gây nóng nực cho nhà ăn.

Bước chân vào bếp, các bạn sẽ thấy choáng ngợp với không khí sôi nổi bởi những người thợ đổ bánh xèo điêu luyện. Đôi tay thoăn thoắt, uyển chuyển từ bên này sang bên kia, cứ chảo này vừa tráng bột thì chảo kia đã chín bánh. Bếp lò lúc nào cũng rực lửa, chảo luôn nóng dầu từ sáng đến chiều đều đặn mỗi ngày. Hình ảnh ấy đã để lại xúc cảm sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi đến tham quan chùa.Hiện chùa có hơn 10 người tình nguyện làm bánh xèo chay. Bếp lúc nào cũng có 2-3 người đổ bánh mỗi giàn từ 10 – 12 cái được xếp theo hình bán nguyệt và 3 người thay thế để. Được biết, mỗi ngày thường đổ khoảng 6.000-7.000 cái bánh, riêng ngày thứ bảy – chủ nhật, dịp rằm lễ thì chùa phải huy động 3-4 giàn chảo mới phục vụ đủ nhu cầu của phật tử, khách du lịch An Giang đến tham quan chiêm bái chùa.

Bột làm vỏ bánh xèo là bột gạo pha với nước dừa, có cho thêm chút bột nghệ cho thơm và có màu vàng đẹp mắt. Bánh xèo ở Thiền viện Đông Lai là đồ chay, có nhân gồm đậu xanh nguyên hạt, tàu hũ, giá đỗ, nấm mèo và củ sắn xắt sợi nhỏ. Chùa rất chú trọng khâu an toàn thực phẩm. Rau ăn kèm với bánh xèo chủ yếu là rau sạch do phật tử và người dân xung quanh trồng rồi đem tặng chùa, một số loại rau được các phật tử hái từ trên núi.

Thực khách khi muốn thưởng thức bánh, chỉ cần cầm dĩa xếp hàng quanh các vòng chảo là các đầu bếp sẽ cho bánh từ chảo nóng hổi lên. Đặc biệt, nhà chùa còn đầu tư hẳn một khu nhà ăn khang trang, mát mẻ để du khách ngồi thưởng thức bánh.

Kinh phí để duy trì hoạt động đổ bánh xèo chay miễn phí phục vụ thực khách là do các Phật tử tự nguyện đóng góp. Người ta không câu nệ chuyện chi phí quá nhiều, mà hầu như ai cũng có lòng thành muốn đóng góp công sức để duy trì việc làm tốt đẹp và có ý nghĩa của nhà chùa.

Nếu có dịp đặt chân đến vùng đất Thất Sơn linh thiêng và huyền thoại, bạn nhớ ghé chùa Bánh xèo để được thưởng thức món ăn mang hương vị miền Tây, bẻ từng miếng bánh xèo giòn rụm, cuốn rau rừng, chấm nước mắm chay chua ngọt, bạn nhé!